NEWS
Hủy hoại da vì ham rẻ, dùng mỹ phẩm kém chất lượng
Hiện nay, mỹ phẩm kém chất lượng cũng như không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn lan trên thị trường đánh vào tâm lý ham rẻ, nhẹ dạ cả tin của người tiêu dùng. Theo báo Nhân dân, kết quả điều tra, khảo sát của cơ quan chuyên trách trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ Việt Nam cho biết, hiện nay trên thị trường có đến hơn 50% sản phẩm mỹ phẩm đang bị làm giả, làm nhái các thương hiệu nổi tiếng, mập mờ nguồn gốc, được rao bán công khai. Không ít người đã phải chịu những hậu quả đáng tiếc khi sử dụng những sản phẩm trôi nổi, làm giả này.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Quang, chuyên khoa II, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội cho hay: Trong năm 2014, có khoảng hơn 15 nghìn ca đến bệnh viện khám bệnh do viêm da tiếp xúc. Trong đó, nhiều trường hợp tới khám, chữa bệnh liên quan đến dị ứng mỹ phẩm, chủ yếu do sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng.
Cơ quan chức năng đang kiểm tra tại một cửa hàng. Ảnh minh họa: Pháp luật Plus
Đăng tải trên Tri thức trẻ, cách đây khoảng 1 tháng, chị Trần Thị S. (22 tuổi, quê Tiền Giang) đến khám tại phòng khám Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD). Theo chị S, buổi sáng sau khi thức dậy, chị S. thấy da mặt đột nhiên xuất hiện vài mẩn đỏ kèm ngứa. Sau đó, chị S. đã tự ra cửa hàng tìm mua mỹ phẩm. Đến một tiệm mỹ phẩm, được người bán rôm rả giới thiệu loại kem dùng rất tốt cho da, trị hết ngứa, hết nổi mẩn đỏ nhanh chóng, đồng thời còn dưỡng da và làm trắng da, chị S. thấy hấp dẫn quá nên mua về ngay lập tức.
Từ vài mẩn đỏ, mụn đã lan toàn khuôn mặt vì sử dụng kem “dỏm”.
Nhưng sau 2 tuần sử dụng liên tiếp, thay vì hết mẩn đỏ, da mặt chị S. bắt đầu xuất hiện các mụn nước, bóng nước li ti khắp mặt, tình trạng đỏ da kèm bỏng rát ngày càng tăng.
Mãi đến khi đến bệnh viện khám lâm sàng, làm các xét nghiệm và được chỉ định các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm, các thuốc dưỡng da…, chị S. mới hoàn hồn khi da trở lại bình thường sau nửa tháng điều trị nghiêm ngặt.
Tương tự, chị Đ.A.T (25 tuổi), ở TP. HCM vì tin tưởng vào các quảng cáo trên mạng mà mua mỹ phẩm trôi nổi với giá không hề rẻ về sử dụng.
Trắng đẹp da chưa thấy đâu, tiền mất, tật mang, da chị nổi mẩn đỏ, bong vảy, và chi chít mụn. “Trước giờ da mặt em không bị nổi mụn. Một hôm đột nhiên thấy trên mặt nổi vài mẩn đỏ, em lo sợ không biết bị gì nhưng ngại đến khám bác sĩ nên đã lên internet tìm hiểu. Thấy một trang mạng giới thiệu một loại kem với quảng cáo là bôi vào sẽ hết nổi mẩn đỏ, hết ngứa và có tác dụng dưỡng da, trắng mịn da nên em đặt mua ngay, dù không rõ xuất xứ và giá đến 900 nghìn đồng/ hộp. Sau khi bôi liên tục trong 1 tuần, da em không mịn mà tình trạng càng nặng nề hơn. Da xuất hiện đỏ, ngứa, cảm giác châm chích khắp mặt và đặc biệt là mụn nổi nhiều trên mặt, chị T. vừa xoa mặt vừa kể lại.
Da mặt bỏng rát, biến dạng vì dị ứng mỹ phẩm.
Cũng như trường hợp trước, chị T. được bác sĩ chỉ định sử dụng một số loại thuốc nhằm ổn định lại tình trạng da. Đồng thời, chị cũng được tư vấn để hiểu rõ hậu quả của việc tự ý điều trị với các sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.
Có rất nhiều trường hợp người tiêu dùng vì sử dụng mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc mà tự hủy hoại làn da, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng cơ thể. Bởi vậy, người tiêu dùng nên cẩn trọng khi mua các sản phẩm làm đẹp. Cách đơn giản nhất để xác định mỹ phẩm “rởm” là xem kỹ bao bì của các sản phẩm này. Thường thì các sản phẩm “rởm” hoặc nhái giả sẽ không còn niêm phong, nhãn mác bị xé hoặc dán đè lên nhau, chú ý thành phần nguy hại như Corticoid hoặc EEA..